Trẻ nhỏ rất hay bị sốt nhưng không phải tất cả các trường hợp sốt đều là nguy hiểm, mà đó là dấu hiệu tốt bởi đó chính là cách cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.
Sốt ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là do nhiễm trùng (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng), sau khi tiêm phòng, mọc răng.
Chị Hồng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là bà mẹ bỉm sữa “sở hữu” hai thiên thần một trai một gái ngoan ngoãn, xinh xắn và khỏe mạnh. Chị kể rằng, khi các bé dưới 1 tuổi gần như tháng nào cũng sốt, tháng thì sốt tiêm phòng, tháng thì sốt mọc răng, tháng thì sốt viêm mũi, viêm họng. Với cháu đầu, chị Hồng cũng thấy khá vất vả nhưng khi đến cháu thứ hai, chị đã có được một số kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị sốt rất hiệu quả nên cũng cảm thấy mọi việc trở nên dễ dàng hơn và không còn phải quá lo lắng như trước.
Trẻ sốt cao thường hay quấy khóc
Chị Hồng chia sẻ: “Khi cảm thấy thân nhiệt con cao hơn bình thường, mình dùng nhiệt kế điện tử đo nhanh nhiệt độ của con. Khi con có dấu hiệu sốt nhẹ, mình cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo cho con, mặc cho con quần áo rộng thoáng để cơ thể giải tỏa bớt nhiệt giúp giảm sốt. Khi sốt cao, mình cho con uống thuốc theo đúng liều lượng hướng dẫn của bác sĩ kết hợp với lau mát cho con bằng khăn ấm. Cho con uống nhiều nước, nằm nghỉ ở nơi thông thoáng, theo dõi nhiệt độ của trẻ bằng nhiệt kế cứ 4 giờ một lần.”
Một số phụ huynh thường mắc sai lầm khi thấy con mình vừa sốt vừa run, sợ con bị lạnh nên quấn nhiều quần áo, đắp nhiều chăn mền làm trẻ càng sốt cao, co giật.
Đo thân nhiệt thường xuyên khi trẻ bị sốt
Đối với trẻ nhỏ từ 6 – 36 tháng tuổi khi sốt quá cao có thể bị co giật, phụ huynh cần hạ sốt tích cực cho trẻ bằng cách “lau mát” cho trẻ bằng nước ấm: Cởi hết quần áo trẻ, dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm, đặt 2 bên nách và 2 bên háng trẻ, chiếc khăn còn lại nhúng nước ấm lau khắp người trẻ. Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu làm trẻ mát. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhiệt độ của trẻ hạ xuống mức bình thường. Nếu trẻ quấy khóc không cho lau khăn, bố mẹ có thể đặt trẻ ngồi vào chậu nước ấm rồi dùng khăn lau vùng bẹn, vùng nách và khắp người trẻ để hạ sốt.
Nếu trường hợp trẻ sốt cao kéo dài, sốt không rõ nguyên nhân, bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.